Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Điều Luật thứ 3 : Em có một Đội phó và nhiều Đội sinh.

Đội em không phải chỉ có một mình em hay có 7, 8 anh em sống chung đụng lộn xộn đâu. Đây là một nhóm có anh Đội trưởng, anh Đội phó và 6 em Đội sinh. Đấy là một gia đình nhỏ mà anh em thương nhau như ruột thịt, Đây là một chuỗi hột, có hột lớn hột nhỏ, nhưng sắp liền nhau, kết lại với nhau. Đội là chuỗi hạt mà Đội sinh là các hạt sống thân mật sát cạnh nhau.
Tinh thần Đội là sợi dây kết các hạt lại với nhau. Ai phải lo cho tinh thần ấy ? Đội trưởng và tất cả Đội sinh.
Nhưng cần phải có vài điều kiện để hợp thành tinh thần Đội. Trật tự và lòng mến Đội đem lại tinh thần cho Đội.
- Trật tự trong Đội: Trong Đội mỗi Đội sinh mang một số, tùy theo số năm Hướng đạo các em đã trải qua. Đội trưởng là số 1, Đội phó là sổ 2, .. . khi sắp hàng phải đứng theo thứ tự ấy nhưng Đội phó đứng sau cùng.
- Lòng mến Đội : Muốn các em có lòng mến Đội mình và các Đội sinh đối với nhau có tình thân ái, thì hiểu nghĩa hợp quần. Khi một Đội sinh thắng trong một trò chơi, đây là cả Đội thắng. Nhưng khi có một Đội sinh bê trễ, lười biếng, đấy là cả Đội mang nhục. Phải giao một trách nhiệm riêng cho mỗi Đội sinh. Trước hết là Đội phó của em. Đội phó giúp em điều khiển Đội và thay em khi em vắng mặt.

Đội phó và Đội trưởng là một đôi bạn rất tâm đắc. Nếu em quên rằng em có một Đội phó trong Đội em, đấy là em quên bổn phận của Đội phó và cả bổn phận của em về công việc Đội. Làm sao cho Đội phó em cảm thấy như em trách nhiệm về Đội. Em giao cho Đội phó dẫn các trò chơi, dạy kỹ thuật hay món gì mà Đội phó em đã thạo hay dìu một em đi lạc đường (tinh thần), tập cho một em còn kém (về kỹ thuật) hay tập cho vài em khác để họ được tuyên Lời Hứa.

Em lại giao cho Đội phó em giữ vật dụng của Đội, đưa giấy báo họp Đội, coi về dấu hiệu, đồng phục, khăn quàng của Đội sinh cho chỉnh tề khi đi đường và khi họp Đoàn, coi về quỹ Đội và tiền nguyệt liễm của các Đội sinh. Đội phó xem xét Đội sinh có hiểu trách nhiệm và làm tròn trách nhiệm không.

Ở trại, Đội phó sẽ coi về việc vận lương. Nếu có tờ báo Đội, Đội phó sẽ là chủ nhiệm, chủ in và là người phát hành báo ra đúng kỳ hạn.

Em đừng bao giờ trách Đội phó trước mặt các Đội sinh. Một sự không trật tự, không vâng lời ở Đội phó là một lỗi nặng hơn là một sự không vâng lời của một Đội sinh thường. Em chớ bỏ qua điều ấy : em chờ lúc bình tĩnh để làm cho Đội phó hiểu lỗi và trách nhiệm của Đội phó em. Chắc em đã nhận thấy rằng anh phó thác cho Đội phó nhiều việc quá. Đấy là một điều có ích. Có thế, Đội phó mới thấy mình là cần thiết trong Đội, mới hiểu sự tận tâm. Đội phó không phải là người để làm vui lòng em mà để làm việc cho Đội. Nếu em giúp cho Đội phó em tự rèn luyện thêm, Đội phó em có thể trở nên một Đội trưởng tốt sau này. Đó là một Việc thiện hay lắm em ạ ! Mà Việc thiện ấy em có thể làm được.

Em yêu các Đội sinh như em yêu các em ở nhà, nhưng em yêu nhất cánh tay phải của em, em Đội phó.

Và em cho phép anh nói với Đội phó em vài lời.
- Vài lời cùng em Đội phó : Em là Hướng đạo sinh thứ hai trong Đội em. Chiếc sọc trắng em đeo trên tim như nói với em rằng em giữ một phần đời em cho riêng em và một phần khác cho Đội em. Em là người em thân yêu nhất của anh Đội trưởng em. Vì thế em nên theo những lời dặn này :

Em chớ tranh quyền với Đội trưởng em, Nói thế chắc em sẽ nhìn anh với cặp mắt ngạc nhiên ! Vâng, có thể là em có ý ấy trong lòng. Em có thể tưởng rằng em làm nhanh hơn một cái gút hay chơi giỏi hơn Đội trưởng em một trò chơi gì hay là em có thể làm một Đội trưởng cừ. Em chớ bao giờ nghĩ thế. Vì ý nghĩ ấy hại đến tinh thần Đội em và hại đến cả tinh thần Đội sinh.

Điều Luật thứ 7 của chúng ta càng gắt gao với em hơn là với Đội sinh khác. Anh nói rõ là “gắt gao” hơn. Vì các Đội sinh nhìn xem em vâng lời Đội trưởng em cách nào. Và nếu có thể rằng em hơn Đội trưởng em trong một vài công việc gì (chớ nghĩ thế, vì vô ích) các Đội sinh em sẽ thấy và tự bảo rằng : “Anh Đội phó mình là một tay cừ chứ không phải tay thường. Anh biết rằng anh không phải Đội trưởng mà !”

Đối với các Đội sinh trong Đội, em cố giữ lòng tử tế, niềm nở, tận tâm giúp đỡ họ, mặc dầu đôi khi em phải làm nghiêm với họ khi họ không đóng nguyệt liễm hay họ đi lầm đường. Dầu sao nữa, em phải tìm cách làm họ yêu em.

Gắng mà hiểu rõ họ. Thế em mới giúp được Đội trưởng em nhiều việc. Và gắng nhất về cả mọi phương diện : kỹ thuật, tinh thần, tình thân ái, lòng hăng hái, em phải tỏ ra là người Hướng đạo hoàn toàn trong Đội.

Khi đi, em đi sau cùng cả, vì người ta biết rằng em theo sau để thúc giục. Khi Đội trưởng giao công việc gì cho em, Đội trưởng biết rằng việc ấy sẽ thành công. Thế là Đội trưởng tin em. Nếu trong Đội có người mà Đội trưởng tin nhất, người ấy là em. Phó Đội trưởng.

Em có một phần việc kín đáo, và trong việc ấy không ai biết lòng tận tâm của em cả. Hay là ở chỗ đó, Hướng đạo là thế em ạ !

Phần thưởng danh dự về nơi em. Mọi người đều không biết lòng tận tâm của em trong tất cả các công việc ư ? Nhưng em, em biết, Đội trưởng em biết, và Đấng Chí Tôn biết. Thế là đủ rồi.

- Các Đội sinh :
Anh đã nói với em rồi : “Em là Đội trưởng. Em phải giao cho mỗi Đội sinh một công việc, một trách nhiệm rõ ràng. Có biết bao là việc : nhà sử gia khảo tầm về lịch sử Đội, nhà bài tri trang hoàng góc Đội, kẻ giữ vật liệu, người quản thủ thư viện, người giữ hộp cứu thương, thư ký, thủ quỹ, v.v...

Muốn thế, em hãy cùng với Đội phó em tìm biết tài năng mỗi Đội sinh một để giao phó công việc. Nhiều khi trách nhiệm giúp cho tài năng nảy nở ra. Nhưng chớ đặt ra cho có chức vị suông. Nếu là một công việc nhẹ nhàng quá, em hãy giao thêm một việc khác. Khi Hội đồng Đội, em phải kiểm soát tất cả công việc em đã giao phó. Nếu công việc chạy, em khuyến khích, khuyên nhủ thêm và bày vẽ thêm. Nếu công việc “ngủ” một chỗ, em phải nói rõ là danh dự Đội có liên hệ đến việc ấy và em sẽ tìm những điều bổ khuyết. Không bao giờ bỏ dở một việc gì. Ai có phần việc nấy. Và mỗi người cảm thấy Đội mình nhờ mình mà đang thành một Đội giỏi nhất Đoàn.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét